Lịch sử hình thành Trung_tâm_Huấn_luyện_Hải_quân_Nha_Trang

Nhiệm vụ

Trung tâm Huấn luyện Hải quân trực thuộc Tổng cục Quân huấn theo hệ thống điều hành của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trung tâm được thành lập năm 1952 với nhiệm vụ đào tạo gấp rút sĩ quan, hạ sĩ quan và thuỷ thủ cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Trong thời kỳ phôi thai, công việc tổ chức và huấn luyện đều do Hải quân Pháp đảm nhiệm.

Tới năm 1955, song song với việc Chính phủ Việt Nam thâu hồi tất cả chủ quyền và cơ sở từ Quân đội Pháp. Trung tâm được đặt dưới quyền chỉ huy của Sĩ quan Hải quân Việt Nam. Từ đó về sau, Trung tâm đã cố gắng vượt bậc để cung ứng đầy đủ cán bộ và thuỷ thủ cho cho Quân chủng Hải quân ngày càng thêm phát triển và vững mạnh.

Các Giai đoạn

-Giai đoạn sơ khởi kể từ ngày thành lập:

Từ đầu tháng 7 năm 1952, các cán bộ chỉ huy và huấn luyện hoàn toàn là người Pháp.

-Giai đoạn tự chủ:

Kể từ đầu tháng 11 tháng 1955 người Pháp bàn giao quyền chỉ huy cho các Sĩ quan Việt Nam.

-Giai đoạn chuyển tiếp:

Từ tháng 5 năm 1956, việc huấn luyện cán bộ, hạ sĩ quan và thuỷ thủ chuyên nghiệp, hoàn toàn do các Huấn luyện viên Việt Nam đảm nhiệm.

-Giai đoạn trưởng thành:

Kể từ tháng 5 năm 1957, phân bộ huấn luyện Pháp rời khỏi Trung tâm. Các sĩ quan Việt Nam đảm trách luôn việc đào tạo các cấp chỉ huy cho Hải quân Việt Nam.

Hoạt động

-Trung tâm huấn luyện Hải quân Nha Trang có 4 trường:
-Trường Sĩ quan Chỉ huy và Cơ khí
-Trường Sơ đẳng chuyên nghiệp
-Trường Trung đẳng chuyên nghiệp
-Trường Tân binh Hải quân1/-Trường Sĩ quan Chỉ huy và Cơ khí:

Muốn vào trường này sinh viên phải có bằng Tú tài Toàn phần Toán (ban B) và qua một kỳ thi tuyển (cho đến Khóa 19), đày đủ sức khoẻ và hạnh kiểm tốt.

-Chương trình học được chia ra:
-Bốn tháng đầu: Ôn lại văn hoá, học về cách tổ chức, việc quản trị và phương pháp điều khiển
-Mười tháng tiếp: Học về ngành chuyên môn Chỉ huy hoặc Cơ khí. Sinh viên phải theo một chương trình huấn luyện về các vấn đề: Sử địa hàng hải, Quốc tế công pháp, Thiên văn học, Thuỷ triều, Thám xuất, Phương pháp điều khiển chiến hạm v.v... hoặc những vấn đề liên quan tới máy móc, điện khí
-Mười tháng sau: Học tiếp về chuyên môn, nặng phần thực hành. Hết thời gian này sinh viên thi ra trường và được mang cấp bậc Hải quân Thiếu úy hoặc Thiếu úy Cơ khí trừ bị.

Sau thời gian 2 năm học tại trường, các tân sĩ quan được gửi đi tập sự trên chiến hạm. Những phần tử ưu tú sẽ được chọn theo học ở ngoại quốc.

2/-Trường Sơ đẳng chuyên nghiệp:

Học viên trường này tối thiểu phải có học lực lớp Đệ Lục (lớp 7).

Thời gian học của một niên khoá là 12 tháng: 3 tháng đầu học về căn bản hải nghiệp và căn bản quân sự. Tiếp đến 9 tháng sau học về chuyên nghiệp như: Kế toán, Thư ký, Vô tuyến, Cơ khí, Vận chuyển, Trọng pháo v.v...

Sau khi ra trường, học viên đủ điểm sẽ được mang cấp bậc chuyên nghiệp. Nếu bị rớt sẽ là thuỷ thủ không nghề.

3/-Trường Trung đẳng Chuyên nghiệp:

Học viên của trường này được tuyển chọn trong số các thuỷ thủ chuyên nghiệp có trình độ van hoá khá hoặc có văn bằng trung học Đệ nhất cấp (Phổ thông cơ sở), biết trọng kỷ luật và có tinh thần phục vụ.

Thời gian học là 3 tháng, đặc biệt nhắm vào việc huấn luyện chuyên môn và cách điều khiển nhân viên. Trong thời gian học, các học viên được mang cấp bậc Hạ sĩ. Đến kỳ thi mãn khoá nếu trúng tuyển, học viên sẽ được đặc cách thăng cấp Hạ sĩ I chuyên nghiệp.

4/-Trường Tân binh Hải quân:

Các tân binh Hải quân sau khi học xong thời kỳ đầu sẽ được tuyển chọn tuỳ theo năng khiếu và ước vọng để theo học trường Sơ đẳng Chuyên nghiệp.

Điểm đặc biệt là các sách giáo khoa đều đã được Trung tâm soạn bằng tiếng việt dự theo tài liệu huấn luyện của Hải quân Pháp, hoa Kỳ và các nước tiến bộ.

Riêng các Sinh viên sĩ quan, ngoài thời gian huấn luyện tại trường và thực tập trong các kỳ đi biển, mỗi năm còn được đi du tập tại Sài Gòn hoặc những thành phố lớn. trong thời gian này các sinh viên sĩ quan có dịp đi thăm viếng các trường Cao đẳng, các Trung tâm khảo cứu, các xí nghiệp kỹ nghệ, công trường quan trọng, các cơ sở liên quan đến Hải quân, kinh tế, quân sự của Quốc gia.

Tóm lại, trung tâm huấn luyện Hải quân đã tổ chức rất thích hợp để đào tạo cho Hải quân VN những con người giỏi chỉ huy, thích hoạt động đủ sức vượt gian lao và thắng biển cả.

Cùng với năm cơ sở đào tạo sĩ quan cho Quân lực VNCH là Trường Võ bị Quốc gia, Đại học Chiến tranh Chính trị ở Đà Lạt, Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức ở Gia Định, Trường Sĩ quan Không quânTrường Hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang. Trung tâm huấn luyện Hải quân Nha Trang đã thực hiện hết sức cho quân chủng Hải quân nói riêng, tròn trách nhiệm đối với Quân lực và Tổ Quốc Việt Nam Cộng hòa cho tới tháng 4/1975 thì chấm dứt nhiệm vụ.